Skip to main content

Giới thiệu chung

Óc Eo cũng như vùng đất Thoại Sơn, có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Con người sống trên mảnh đất này từ trước Công nguyên. Vùng đất này nổi tiếng khắp cả nước, gắn liền với sự phát triển nền văn hóa Óc Eo – Ba Thê và hiện nay đã được công nhận là “ Khu di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê” ( theo Quyết định số 1419/QQĐ-TTg, ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính Phủ ).
    Thị trấn Óc Eo là một trong ba thị trấn của huyện Thoại Sơn (được tách ra từ xã Vọng Thê cũ theo Nghị định số 53/2003/NĐ-CP của Chính phủ). Phía Đông giáp xã Vọng Đông, phía Tây giáp xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp xã Bình Thành, phía Bắc giáp xã Vọng Thê. Thị trấn Óc Eo chính thức được thành lập trên cơ sở 989,9 ha diện tích đất tự nhiên của xã Vọng Thê, trong đó diện tích trồng lúa 652ha. Thị trấn Óc Eo có 4 khóm: Tân Hiệp A, Tân Hiệp B, Tân Đông và Khóm Trung Sơn, có 3.224 hộ với 11.477 nhân khẩu, trong đó có 2.326 hộ dân tộc Kinh với 7.389 nhân khẩu, 886 hộ dân tộc Khmer với 4.043 nhân khẩu, 9 dân tộc hoa với 33 nhân khẩu, 02 hộ dân tộc Ê đê với 08 nhân khẩu, 01 hộ dân tộc Tày với 04 nhân khẩu. Ngoài ra thiên nhiên còn ban tặng cho Thị trấn Óc Eo 02 ngọn núi ( Ba Thê và Núi nhỏ ) vừa có đồng bằng và vừa có núi.
    Qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ đã đưa ra Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - Văn hóa xã hội và An ninh Quốc phòng và làm thay đổi bộ mặt của Thị trấn khởi sắc như: Xây dựng cầu, đường, nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn 21,174km, áp dụng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều hộ dân đầu tư phát triển mạnh về lĩnh vực thương mại, dịch vụ đạt hiệu quả cao.
    Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân. Lĩnh vực giáo dục được tăng cường đầu tư xây mới cơ sở vật chất, cảnh quang môi trường được chỉnh trang xanh – sạch – đẹp, đến nay Óc Eo có 01 trường Mẫu giáo, 02 trường Tiểu học, 01 trường Trung Học cơ sở, 01 Trường Trung Học phổ thông đã được xây dựng khang trang. Từ đó tạo điều kiện để con em trên địa bàn Thị trấn và các xã lân cận học tập, tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày càng nhiều và sau khi ra trường, các em không chỉ phục vụ cho địa phương mà còn tham gia phục vụ trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Các cơ quan đóng trên địa bàn gồm có Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Kho Quân khí. Cơ sở thờ tự trên địa Linh Sơn cổ tự, chùa Sơn Tiên, chùa Phổ Quang, chùa Phước Sơn, chùa KalBôPrưk, Thánh Thất Cao Đài, Đình thần Phan Thanh Giản và Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo.
    Thị trấn cũng đã vận động mạnh thường quân trong và ngoài địa phương cất nhà cho những hộ chính sách, hộ nghèo, khó khăn… tỷ lệ hộ nghèo giảm; không còn nhà tạm bợ, người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên và ổn định.
    Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.
    Thị trấn Óc Eo có nhiều cơ hội như: được đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng; là nơi thu hút được rất nhiều các chuyên gia, nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu; thu hút các nhà đầu tư hướng tới những sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di tích khảo cổ và kiến trúc Óc Eo – Ba Thê. Đồng thời, Óc Eo cũng là nơi hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
    Từ những kết quả vừa nêu trên đã chứng minh sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân đã một lòng đoàn kết xây dựng quê hương Óc Eo ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững.